Giới thiệu về Tam nguyên - Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ

Phạm Đôn Lễ (1457-1531) đỗ Trạng nguyên năm 1481 đời vua Lê Thánh Tông. Ông cũng đỗ đầu cả kỳ thi Hương, thi Hội nên được coi là vị Tam nguyên đầu tiên của lịch sử khoa bảng Việt Nam. Ông làm quan đến Tả thị lang, Thượng thư.



Đền thờ Phạm Đôn Lễ ở thôn Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Nguồn ảnh: ditichlichsuvanhoa.com.


NGHIÊN CỨU CÁCH DỆT RỒI DẠY CHO DÂN


Năm 1488, Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ vừa qua tuổi 31, được vua Lê cử đi sứ nhà Minh. Trên đường đi, đoàn qua thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, thấy phong cảnh hữu tình nên dừng chân nghỉ ngơi, thưởng lãm. Chiều hôm ấy, Trạng Nguyên Đôn Lễ đi dạo chơi thành Quế Lâm, tình cờ thấy người dân địa phương làm nghề dệt chiếu như ở quê ông nhưng phương pháp dệt không hoàn toàn giống. Ông tò mò quan sát thì thấy bàn dệt của họ để nằm, có ngựa đỡ, khác với ở quê nhà là bàn dệt đứng không có ngựa đỡ. Với cách dệt này, chiếu hẹp, bền và nhanh hơn. Thế là ông quyết tâm tìm cách đưa phương pháp dệt chiếu này về nước.


Sau khi đến Yên Kinh làm xong việc vua giao, đoàn trở về ngang Quế Lâm, Trạng nguyên Đôn Lễ bỏ tiền mua bàn dệt chiếu mang về nước. Ông đưa bàn dệt về làng Hới (làng Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, Thái Bình) quê ông, gọi phường dệt đến tháo ra nghiên cứu và tập dệt thử. Phường dệt kêu khó quá. Thế là ông đích thân ngồi vào bàn dệt, với tư chất thông minh, ông nhanh chóng nắm được quy trình vận hành và gọi phường dệt lại để chỉ dạy. Nhìn những chiếc chiếu mới dệt xong, bấy giờ cai cũng tấm tắc khen.


Từ đó dân làng Hới dệt chiếu theo phương pháp mới. Chiếu làng Hới chẳng mấy chốc nổi tiếng khắp vùng. Trạng nguyên Đôn Lễ cho thợ đóng thêm nhiều bàn dệt mới truyền nghề dạy cho dân các làng miền duyên hải trấn Sơn Nam hạ (nay là các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định).


Ngoài ra, Trạng nguyên Đôn Lễ còn hướng dẫn dân cách trồng cói và chăm sóc để luôn có nguồn nguyên liệu dồi dào sản xuất chiếu. Đời sống người dân ngày càng sung túc. Từ đó, người dân quý mến gọi ông là Trạng Chiếu.


VỊ TAM NGUYÊN ĐẦU TIÊN TRONG LỊCH SỬ


Phạm Đôn Lễ là người đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam đỗ Tam nguyên, hiện bia đá dựng tại Văn miếu - Quốc tử giám Hà Nội vẫn còn lưu giữ kỳ tích này.


Báo Hưng Yên online trích dẫn cuốn Tóm tắt tiểu sử Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ do dòng họ Phạm ở thôn Mỹ Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, sưu tầm và biên soạn năm Ất Hợi 1995 cho biết hồi nhỏ Trạng nguyên Đôn Lễ sống rất cơ cực. Mẹ của ông bán nước ven làng, còn cha làm nghề chài lưới tại bến đò Cà ven sông Luộc. Ngay khi ông còn rất nhỏ thì người cha đã qua đời.


Năm lên 3 tuổi, Phạm Đôn Lễ bị lạc trong một lần đi chơi ven sông. Một chủ thuyền buôn (sử sách ghi lại là người xã Thanh Nhã, huyện Kim Hoa, tức Sóc Sơn, Hà Nội ngày nay) khi đi qua đây thấy đứa trẻ khôi ngô, tuấn tú nên đã đưa về nuôi và cho ăn học. Phạm Đôn Lễ càng lớn càng tỏ ra thông minh, học một biết mười. Năm 1481 niêu hiệu Hồng Đức 12, vua Lê Thánh Tông mở khoa thi kén chọn nhân tài cho đất nước, Phạm Đôn Lễ dự thi Hội, thi Đình và đều đỗ thủ khoa. Trước đó ông cũng đỗ đầu kỳ thi Hương. Đó thật sự là một sự kiện chưa từng có trước đó.


Phạm Đôn Lễ được vua Thánh Tông bổ nhiệm làm Hàn lâm viện thừa chí. Ông được vua ban áo mão, ngựa và lộng che về quê vinh quy bái tổ. Lúc này người cha nuôi mới kể sự thật về nguồn gốc lai lịch của ông. Phạm Đôn Lễ trở về làng Hải Triều tìm mẹ. Người mẹ gặp con mà cứ ngõ như chuyện cổ tích. Từ đó Đôn Lễ đón mẹ về ở chung một nhà.


DẠY HỌC ĐẾN CUỐI ĐỜI


Phạm Đôn Lễ còn được biết đến là vị quan rất mực thương dân, tính lại cương trực, ghét bọn nịnh thần. Thời vua Lê Uy Mục (1505-1516), bọn tham quan bắt đầu nổi lên, tìm cách gièm pha hãm hại các bậc công thần. Phạm Đôn Lễ là đối tượng của chúng. Chuyện kể rằng một năm kia đê cửa sông Luộc bị vỡ, Phạm Đôn Lễ cho người xây kè chống sạt lở cửa sông. Trong thời gian này không may công chúa bị ốm nặng. Bọn gian thần đã tấu với vua công chúa bị ốm là do Phạm Đôn Lễ đào đắp đê cửa sông Luộc đã phạm đến long mạch. Vua nghe theo bèn khép tội Phạm Đôn Lễ.


Hay chuyện, Phạm Đôn Lễ xin từ quan, đưa vợ và bốn người con trai đến nhiều địa phương vừa dạy chữ vừa truyền nghề dệt chiếu cho người dân làm ăn. Trong lần về thôn Mỹ Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, ông quyết định ở lại đây mở trường dạy học.


Năm 1531 ông qua đời. Để tỏ lòng tôn kính, tại khu đất Đồng Cời thuộc thôn Mỹ Xá, dân làng đã xây khu lăng mộ Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ khá quy mô. Ngoài phần mộ chính của ông còn có các mộ phần của bốn người con trai. Hàng năm, nhân dân lấy ngày 6 tháng giêng âm lịch, là ngày sinh nhật Phạm Đôn Lễ, làm ngày đại lễ nhằm ghi nhớ công ơn dạy dân nghề dệt chiếu. Vào ngày này dân làng mở hội, tế lễ rất linh đình, đồng thời tổ chức nhiều trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ…


Tại làng Hới, quê nhà giáo Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ nay vẫn con ngôi đền mà người dân thường gọi Đền Quan trạng. Đền có diện tích 660m2 gồm năm gian ngoài, ba gian trong thờ tượng Trạng nguyên. Dân làng Hải Triều đã có bài thơ chữ Hán chạm trên bia đá ca ngợi Trạng Nguyên, được Viện Hán Nôm dịch ra như sau:


Nước sông mênh mang nguồn dòng dài

Nhà từ đường rực rõ, hương hoa ngát thơm

Vị thần giáng xuống ánh sáng rực rỡ

Mây sáng phiêu diêu, xa giá lượn quạnh

Giáng vẻ ung dung, vang khắp mùa xuân

Hát vang bài ca yên vui, điển chương yên lành

Phúc thần dạt dào, nhân kiệt địa linh

Từng bước đi đưa hương, báo đáp thần linh

Đời đời thờ thần, mãi mãi hoà bình.