Tìm hiểu làng nghề chiếu Hới - Thái Bình | Việt Nam Thức Giấc


Làng Hới (Thái Bình) có nghề dệt chiếu lâu đời và nổi tiếng ở nước ta. Chiếu Hới còn gọi là chiếu Hưng Nhân theo tên huyện cũ, là chiếu Hưng Hà theo tên huyện mới, và chiếu Thái Bình (tên tỉnh). Như thế, sản phẩm chiếu dệt thủ công của làng Hới từ lâu đã trở thành một sản phẩm tiêu biểu không chỉ của một địa phương nhỏ, mà của cả một tỉnh nông nghiệp loại lớn nhất ở đồng bằng Bắc Bộ và lưu vực sông Hồng.

Chưa có ai biết nghề chiếu xuất hiện ở Hới từ bao giờ, cũng như Tổ nghề thật sự là ai. Theo truyền thuyết, vào thời Tiền Lê - Lý (thế kỷ X-XI), làng Hới đã bắt đầu dệt chiếu, rồi phát triển mạnh vào thời Hậu Lê (thế kỷ XV). Nghề dệt chiếu Hới thịnh đạt lúc bấy giờ là nhờ công lao của Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ (1457 - ?)- Ông người làng Hải Triều, huyện Ngự Thiêm, phủ Tân Hưng. Ông thi đỗ Trạng nguyên khoa thi Tân Sửu, niêu hiệu Hồng Đức năm thứ 12 (1481) làm quan tới chức Thượng thư. Khi ông lớn lên, làng Hới đã có nghề dệt chiếu từ lâu. Nhưng chiếu dệt khung đứng, không có ngựa đỡ sợi nên chiếu không đẹp. Đi sứ sang Trung Quốc, khi qua vùng Ngọc Hà, Châu Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, Phạm Đôn Lễ đã tìm hiểu và học được bí quyết kỹ thuật dệt chiếu của người Trung Quốc. Đó là kỹ thuật dệt khung nằm, có ngựa đỡ sợi dọc, làm cho sợi đay căng, chao cói nhanh hơn và chiếu đẹp hơn. Ông đã phổ biến kinh nghiệm và kỹ thuật dệt mới cho nhân dân. Ông cho cải tiến khung dệt. Nhờ vậy, chiếu Hới đẹp hơn và nổi tiếng từ đó. Dân làng tôn ông là ông Tổ nghề dệt chiếu, gọi ông là "Trạng Chiếu" và lập đền thờ sau khi ông mất; đền thờ Phạm Trạng Nguyên.

Cảnh dệt chiếu bằng tay của những người nông dân xã Tân Lễ

Chiếu Hới có nhiều loại: chiếu cài hoa, chiếu đậu, chiếu trơn, chiếu cạp điều, chiếu đót, chiếu sợi xe... với nhiều kích cỡ khác nhau. Trước đây, ở Hới có loại chiếu gon bền, đẹp nổi tiếng rất được ưa chuộng. Lịch Sử Văn học Việt Nam còn ghi lại giai thoại cô gái bán chiếu gon bên Hồ Tây ở kinh đô hồi thế kỷ XV. Đó là cuộc gặp gỡ tài tử, giai nhân giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, với những câu thơ đối đáp trữ tình giữa nhà thơ lớn với cô bán chiếu tài sắc:

- Nàng ở đâu đi bán chiếu gon
Phải chăng chiếu bán hết hay còn
Xuân canh chừng độ bao nhiêu tuổi
Đã có chồng chưa, được mấy con ?
- Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon
Hỏi chi chiếu bán hết hay còn ?
Xuân canh chừng độ trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có, hỏi chi con ?





Mãi đến thời nhà Nguyễn, chiếu Hới vẫn là loại chiếu tốt nhất, chưa có loại chiếu nào khác trong vùng cạnh tranh nổi. Nhân dân quanh vùng có câu phương ngôn: "Ăn cơm hom, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới". Bởi chiếu Hới không chỉ đẹp, bền mà còn có thể dùng đắp thay chăn, cũng rất ấm. Làng Hới dệt chiếu nhưng chỉ trồng đay mà không trồng cói. Đó là nét đặc biệt của làng chiếu này, khác hẳn các làng và trung tâm nghề dệt chiếu khác ở miền Bắc nước ta - dệt chiếu gắn liền với trồng cói là nguyên liệu. Làng Hới xưa nay trồng khá nhiều đay, đủ đáp ứng nhu cầu se sợi dệt chiếu, ít mua đay sợi của các nơi khác. Kỹ thuật vê đay (se sợi đay), cải tiến khung dệt, kỹ thuật chế biến cói và dệt các loại chiếu của thợ thủ công làng Hới vừa cao vừa độc đáo, đã tạo ra những sản phẩm đặc sắc, có một không hai.

Khác với nhiều làng nghề Việt Nam, ở Hới chưa có gia đình nào thoát ly hẳn sản xuất nông nghiệp. Người ta chỉ dệt chiếu trong 8 tháng mỗi năm, còn 4 tháng thì làm ruộng. Chiếu Hới bây giờ vẫn được ưa chuộng ở nhiều nơi. Địa phương đã cố gắng tìm thị trường quốc tế, tìm đối tác kinh doanh, đang xuất sang Trung Quốc những lô hàng lớn. Những người thợ tài hoa làng Hới còn cải tiến công nghệ, tìm cách dệt loại sản phẩm mới để xuất sang một số nước tư bản phát triển. Đó là loại chiếu dệt sợi dọc bằng sợi vải, viền mép (biên) bằng vải.